Nhận biết cảm lạnh, viêm phổi do corona
Sốt, ho là triệu chứng thường gặp nhất ở cảm lạnh và viêm phổi do virus corona gây ra, nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Khí hậu biến đổi thất thường, thời tiết lạnh kéo dài trong đầu năm là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng về đường hô hấp, ho, cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi. Một số triệu chứng của cảm lạnh khá tương đồng với bệnh do virus corona.
Corona – một họ virus lớn gây bệnh hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến nặng, đe dọa tính mạng người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012. Chủng virus mới này chưa từng biết đến, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh
Viêm phổi do virus corona cũng gây sốt, ho gần giống với cảm lạnh thông thường và các bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Tuy nhiên, khi cảm lạnh hoặc sốt thông thường, nếu không mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ có thể thuyên giảm trong khoảng 3-5 ngày.
Trong khi các triệu chứng do virus corona gây ra từ nhẹ đến nặng gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ hai đến 24 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, virus corona gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
Nếu chỉ có các triệu chứng sốt, ho chưa đầy đủ thông tin để khẳng định có bị viêm phổi do virus corona gây ra hay không. Để xác định cần căn cứ vào yếu tố dịch tễ học, tức xem xét người này có đi đến vùng dịch hay không, có tiếp cận với những người đã được chẩn đoán hoặc xác định nhiễm virus corona. Xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán chính xác có mắc viêm phổi do corona.
Đo nhiệt độ để phát hiện sốt, phòng ngừa bệnh do virus corana. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Kiểm tra chẩn đoán được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing – NGS) và kỹ thuật Real time RT – PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan tại nhiều quốc gia, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người chủ động thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên hai mét khi tiếp xúc.
– Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
– Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
– Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
– Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…
– Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
– Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
– Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa.
Trong tình hình dịch bệnh, một số người còn lựa chọn các thực phẩm bảo vệ sức khỏe góp phần cải thiện sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Kim Uyên